Khi viết các bài viết này tôi không hy vọng rằng có ai đó bấm vào xem, cũng không hy vọng có ai đó đọc hết bài, càng không hy vọng có ai đó đồng cảm vì tôi biết đây là một dạng bài viết không hợp với nội dung website FTAC và cũng không phải thứ mà đa số người quan tâm. Tôi chỉ viết đơn thuần là vì tự nhiên có cảm hứng viết và chủ yếu là viết cho chính mình. FTAC là một sản phẩm tinh thần của tôi, cũng là nơi tôi hoạt động nên tôi chọn gửi lên để cho vui. Tuy nhiên nếu có ai đó hữu duyên có thể đọc, đồng cảm và ứng dụng được gì đó để giải tỏa bớt các áp lực trong cuộc sống thì tôi cũng rất vui.
Nếu muốn đọc hay tư vấn về luật thuế xin qua menu khác hoặc nhắn vào Hotline tôi sẽ hỗ trợ trong khả năng của mình.
VÔ NGÃ
Cũng như “Vô thường”, “Vô ngã” cũng là một trong những quy luật chính vận hành liên tục trong vũ trụ. Và cũng là một trong những trọng tâm trong lời dạy của Đức Phật. Như trong bài viết về “Vô thường”, chúng ta không cần một tôn giáo để có thể nghe, tiếp nhận những lời dạy giản đơn, chân thực, nhưng vô cùng sâu sắc và đầy trí tuệ này. Vì những vị thầy đã thức tỉnh trọn vẹn họ không bao giờ mang tâm phân biệt, những chỉ dẫn của họ luôn là để cứu giúp toàn nhân loại. Chúng ta chỉ cần một sự chú tâm, suy ngẫm thật sâu về những lời dạy đó, quan sát sự vận hành liên tục của những chân lý đó trong thực tế, để tự xác định những điều này là đáng tin cậy hay không từ chính cảm nhận tự thân của chúng ta. Từ sự chú tâm, suy ngẫm về những chân lý này một cách liên tục, sẽ tạo cho chúng ta một cảm nhận sâu sắc và chân thực hơn về các chân lý đó. Và quan trọng hơn là chúng ta phải để những lời dạy này được chảy vào trong hoạt động hàng ngày để giúp chúng ta có một cuộc sống nhẹ nhàng và cảm hứng hơn.
Vô ngã có thể là một cái gì đó mà tất cả chúng ta ai cũng đã từng nghe qua trong đời, nhưng có lẽ ít người trong chúng ta từng đặt câu hỏi về ý nghĩa sâu sắc thực sự của nó là gì, và những ai dành nhiều thời gian nghiền ngẫm về nó để có thể ứng dụng sự hiểu biết về nó vào cuộc đời thực lại càng ít hơn.
Đầu tiên chúng ta cũng phải công nhận rằng, từ ngữ dùng để diễn tả chân lý này là một từ rất khó nắm bắt - vừa là từ Hán – Việt vừa là một từ mang đậm tính chất tôn giáo. Khi nghe “Vô ngã”, hay đồng nghĩa là “Tính không”, chúng ta thường có cảm tưởng về cái gì đó rất huyền ảo và siêu hình. Điều này thực sự gây nên những khó khăn trong việc hiểu và cảm nhận về ý nghĩa rất chân thực, nhưng vô cùng sâu sắc của chân lý này.
Để có thể hiểu “Vô ngã” chúng ta cần nắm bắt từ “ngã”, đây thực sự không phải một từ phổ thông và dễ nắm bắt. Trên bình diện tổng quát nhất, “Ngã”, có thể hiểu như những đặc tính, những tính chất, mà tự thân nó đã tồn tại sẵn, của một người, một sự vật, một sự việc, một hiện tượng, hay một hoàn cảnh, để phân biệt với những người, sự vật, sự việc, hiện tượng hay hoàn cảnh khác. Những đặc tính, những tính chất như vậy được tạo ra bởi tâm trí con người, dưới dạng các khái niệm, các tư tưởng. Vì vậy cảm tưởng có tồn tại một cái “ngã” trong mọi sự – tức là có tồn tại “những đặc tính, những tính chất, mà tự thân nó đã độc lập có sẵn” của mọi thứ, chỉ phát sinh với con người, nhưng còn ở trạng thái nhận thức chưa đủ sáng tỏ. Vì vậy, đó là những cảm nhận vô cùng hạn hẹp và kém sâu sắc về mọi yếu tố của cuộc sống, dưới dạng các khái niệm và tên gọi. Ở con vật và cỏ cây chưa tồn tại cảm nhận về “ngã”. Một sinh vật mà ta gọi là “Con chó”, nó chỉ đơn thuần tồn tại như nó là. Một con chó không có cảm nhận tự thân ở mức tư tưởng, khái niệm, để nghĩ rằng nó là một “Con chó”, nhằm phân biệt với “Con mèo”. “Con chó” chỉ là một khái niệm, do trí não con người đặt ra, để định nghĩa một sự vật, theo một cách vô cùng giới hạn. Vậy khi đã nắm bắt được ý nghĩa của “ngã”, ta có thể thấy chân lý “Vô ngã” nói lên rằng mọi yếu tố của cuộc sống, không có thứ gì có một cái “ngã” như vậy. Tức là không có một thứ gì trong vũ trụ có thể có những đặc tính, những tính chất, mà tự thân nó đã tồn tại sẵn, và độc lập với các thứ khác. Đồng nghĩa với “Vô ngã” là “Tính không”. Mọi thứ đều có “Tính không”, hay mọi thứ đều là “Không” - không phải là tất cả mọi thứ trên đời đều là là hư vô, là không có gì cả - mà là: tất cả mọi thứ đều “không có tự tính” – cái này có, là vì cái kia có - hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau. Cũng tức là hoàn toàn không có thứ gì trong vũ trụ có thể có những đặc tính, những tính chất mà tự thân nó đã có sẵn, tự thân nó có khả năng độc lập tồn tại, mà không liên quan gì tới các thứ khác.
Để có thể cảm nhận chân lý này một cách trọn vẹn và sâu sắc, chúng ta cần một sự chú tâm cao độ trong một trạng thái tĩnh lặng cần thiết, để nhìn thật sâu vào bản chất của mọi sự. Trí não của chúng ta luôn khái niệm hóa mọi thứ ở một mức độ rất cạn cợt, thiếu chiều sâu. Nếu mức ý thức của chúng ta chưa đủ sáng tỏ, chúng ta sẽ luôn nhìn nhận mọi sự trong khuôn mẫu rất hạn chế của trí não. Chúng ta chỉ biết về mọi thứ thông qua các khái niệm và tên gọi một cách hời hợt và nông cạn, hoàn toàn thiếu đi chiều sâu về bản chất. Hay nói cách khác, khuôn mẫu của trí não chỉ cho phép chúng ta cảm nhận về mọi thứ ở mức tên gọi, nó từ chối nhìn nhận các sự vật, sự việc ở mức sâu hơn về bản chất. Ví dụ như khi ta thấy một thứ mà trí não đã định nghĩa và quy định tên gọi nó là “xe máy”, thì tất cả những gì chúng ta biết về thứ đó, ngay lúc đó, chỉ là “oh, có một cái xe máy” là dừng lại. Vì cơ chế tự động của trí não chỉ cho phép ta biết về thứ được gọi là “xe máy” kia ở mức độ tên gọi như vậy, nó không cho phép chúng ta cảm nhận sâu hơn vào bản chất của sự vật đó. Trạng thái giới hạn đó, tạo cho chúng ta một cảm tưởng, là có một cái gì đó có tính chất “xe máy” như vậy đang thực sự tồn tại độc lập, tách biệt với mọi thứ khác. Khi ý thức của chúng ta chưa đủ sáng suốt để vượt lên trên sự định đặt của cơ chế tự động này, rất ít khi, hoặc có thể là không bao giờ, chúng ta đặt thêm câu hỏi là: ngoài cái tên gọi như vậy, thì bản chất thực sự của thứ được gọi là “xe máy” kia là gì? Liệu có một cái gì đó, mà tự thân nó đang sẵn có một đặc tính là “xe máy”, và tồn tại độc lập như vậy không? Khi một sự vật hay sự việc xuất hiện trong ý thức của chúng ta như "cái xe máy", nếu chúng ta tự động dừng sự cảm nhận về sự vật đó tại mức tên gọi cạn cợt như vậy, tức là chúng ta đang cô đọng và hạ thấp cả một quá trình sáng tạo thiêng liêng và siêu việt kết tinh trong sự vật ấy, thành một cái "ngã" rất nhỏ bé dưới dạng vài từ ngữ hay âm thanh vô nghĩa. Chính vì điều này, nên khi ta chỉ nhận biết mọi thứ ở mức khái niệm và tên gọi, ta ít khi thấy được những giá trị thiêng liêng kết tinh trong mọi thứ, từ đó niềm trân trọng của ta với mọi thứ đang hiện diện là hầu như không thể sinh khởi.
Với sự vật là chiếc xe máy như trên, khi chúng ta không dừng sự nhận biết lại ở mức tên gọi của vật đó là “xe máy”, mà tiếp tục chú tâm, suy ngẫm sâu vào bản chất của sự vật này, chúng ta sẽ không thấy có bất kỳ một tính chất nào, mà tự thân nó đang độc lập sẵn có như là “xe máy” tồn tại. “Chiếc xe máy”, chỉ là một định nghĩa, một tên gọi, do trí não chúng ta định đặt cho sự vật, nó hoàn toàn không mang ý nghĩa gì ở bình diện bản chất. Nếu ta chú tâm tiếp tục suy xét thật sâu vào bản chất, thì cái được gọi là “xe máy” kia, là sự tập hợp của vô số linh kiện từ nhỏ tới lớn như: các ốc vít, kim xăng, xi lanh.. tới các khung sườn, vành bánh xe, trục lái, vỏ ngoài... Toàn bộ các linh kiện từ nhỏ tới lớn ấy lại được hình thành từ những vật liệu như: sắt, nhựa, cao su.… Và muốn có được toàn bộ các vật liệu ấy - ở đây chúng ta xét tiêu biểu một vật liệu như cao su - phải có cây cao su hiện diện, muốn có cây cao su, phải có ánh sáng, tức là phải có mặt trời, phải có nước tưới, phải có đất để bám rễ. Sau khi có cây cao su, cần phải có người khai thác mủ cao su, phải có người chế biến mủ thành nhựa, tiếp tục phải có người thiết kế các vỏ ngoài cho xe, và có người chế tạo nhựa thành vỏ ngoài đó theo thiết kế đó. Tiếp tục xét tiếp chúng ta sẽ thấy, từng người trong những người thực hiện từ khâu trồng cây cao su, tới khâu khai thác, thiết kế và chế tạo ấy, muốn tồn tại lại đều phải cần thức ăn, không khí, ánh sáng… y như cây cao su. Ngoài ra từng người trong những người đó muốn tồn tại, thì phải cần các mối quan hệ với những người khác như cha, mẹ, bạn bè, đối tác của những người đó. Và những người liên quan tới sự tồn tại của những người đó như cha, mẹ, bạn bè, đối tác của những người đó, muốn tồn tại lại vẫn phải cần thức ăn, không khí, ánh sáng, và các mối quan hệ với những người khác nữa như cha, mẹ, bạn bè, đối tác của họ… Cứ như vậy, tất cả mọi người trên thế giới đều có liên quan. Và muốn có ánh sáng, đất, nước thì phải có trái đất và mặt trời. Muốn có trái đất và mặt trời hoạt động đúng quỹ đạo như vậy, phải có các hành tinh khác trong Thái dương hệ tác động chi phối qua lại. Muốn có Thái dương hệ hoạt động đúng quỹ đạo như vậy, phải có sự tương tác với các hệ hành tinh khác trong toàn vũ trụ… Với mọi chi tiết khác trong tổ hợp “xe máy”, nếu ta suy xét sâu đến tận cùng, thì bản chất của mọi chi tiết đó cũng đều như vậy. Khi ta suy xét sự tương quan tới mức tận cùng, ta có thể thấy, để bất kỳ yếu tố nào của chiếc “xe máy” được hiện hữu, đều cần đến sự hiệu hữu của tất cả con người và mọi yếu tố khác trong toàn vũ trụ, theo một cách đúng như vậy. Qua sự nhận biết sâu sắc này, ta thấy rằng, thực sự không có một thứ gì có một tự tính như là “xe máy” đã sẵn có và đang tự thân tồn tại độc lập như thế cả. Cái được gọi là “xe máy” kia về thực chất là một tổ hợp được hình thành bởi sự kết hợp của hàng tỷ tỷ các yếu tố khác trong toàn vũ trụ, theo một cách vô cùng thâm sâu và siêu việt. Chỉ cần xảy ra một thay đổi, hoặc thiếu sót của bất kỳ một yếu tố nào, cũng đều làm cho sự tồn tại của “cái xe” đi theo một hướng hoàn toàn khác, không thể đoán định. Ta có thể thấy rằng, nếu nhìn sâu vào bản chất gốc rễ của mọi sự, tới một mức tận cùng, thì không có bất kỳ một yếu tố nào trong vũ trụ này là có một cái “ngã” tự có, riêng biệt. Tất cả đều “Vô ngã” là một chân lý không thể thay đổi. Để một thứ gì đó được hiện diện "đúng như nó đang là, vào ngay lúc này, và ở đây", thì luôn cần phải có sự hiện diện của tất cả các thứ khác theo một cách "đúng như các thứ đó đang là, vào ngay lúc này, và ở những nơi đó", không thể thiếu bất kỳ một yếu tố nào.
Tất cả các yếu tố trong cuộc sống, kể cả con người lẫn sự vật, sự việc, hoàn cảnh, đều có liên kết với nhau trong một hệ thống vô cùng chặt chẽ và siêu việt. Cảm giác về một thứ gì đó có một tự tính đã tồn tại sẵn, và độc lập với các thứ khác, chỉ là một ảo giác phát sinh trong trạng thái nhận thức bị giới hạn bởi khuôn mẫu của trí não. Khi ta chú tâm trong tĩnh lặng, để suy ngẫm, cảm nhận mọi thứ một cách sâu sắc, ở mức độ tận cùng về bản chất, ta sẽ cảm nhận được tính Vô ngã, và sự liên kết chặt chẽ, nhiệm màu của mọi yếu tố trong cuộc sống. Và ta cũng sẽ hiểu rằng, vì tất cả mọi thứ đều Vô ngã, mọi thứ đều chỉ là biểu hiện của những kết hợp giả tạm, nhưng siêu phàm, của vô số các yếu tố khác trong toàn vũ trụ, nên mọi thứ mới “Vô thường”, mới không ngừng biến chuyển và thay đổi.
Có thể chúng ta sẽ hỏi rằng: ta cần hiểu biết và cảm nhận mọi thứ ở mức sâu như vậy để làm gì? Cảm nhận mọi thứ ở mức sâu sắc về bản chất, hay chỉ cảm nhận mọi thứ ở mức khái niệm và tên gọi - như cơ chế trí não thông thường vẫn làm - thì có ảnh hưởng gì tới cuộc đời thực của chúng ta không? Vì dù ta có cảm nhận mọi thứ như thế nào, thì cuộc đời vẫn sẽ diễn ra theo các cách mà nó cần phải diễn ra. Vậy tại sao ta cần phải cảm nhận và hiểu biết sâu hơn để làm gì? Quả thực dù ta có cảm nhận về mọi thứ như thế nào, sâu sắc hay nông cạn, thì dòng chảy của sự sống cũng sẽ không vì cảm nhận của chúng ta mà thay đổi, cuộc đời vẫn sẽ diễn ra theo các cách mà nó cần phải diễn ra. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng, thái độ của chúng ta với tất cả những điều diễn ra trong đời - vui vẻ chấp nhận hay phản ứng, chống đối - mới là điều quyết định cuộc sống của chúng ta sẽ đơn giản, nhẹ nhàng hay rối rắm, phức tạp. Nếu cơ chế tự động của trí não trong ta chỉ dừng lại ở việc luôn cảm nhận mọi thứ ở mức khái niệm và tên gọi, nhưng biết được sự cảm nhận này là nông cạn, thiếu chính xác, để vui vẻ chấp nhận cho mọi sự diễn ra một cách tự nhiên như nó cần diễn ra, thì chúng ta đã không có những cuộc đời đầy rắc rối và khốn khổ tới như vậy. Thực tế là, cơ chế tự động của trí não, không những chỉ hạn chế sự cảm nhận của chúng ta về mọi thứ ở mức khái niệm rất nông cạn, mà nó còn rất thích đưa ra các phán xét, đánh giá dựa trên những hiểu biết giới hạn đó, và thường là tiêu cực. Chúng ta có thể tự xác định lại điều này bằng cách chú tâm quan sát, hoặc nhớ lại các khuôn mẫu nhận định và hành xử với mọi thứ mà chúng ta hay thực hiện khi gặp các tình huống cụ thể trong cuộc sống. Khi ý thức của chúng ta hoàn toàn chịu sự chi phối của cơ chế trí não tự động, chúng ta luôn nhìn nhận mọi sự ở một góc độ rất nông cạn và phiến diện, ít khi chúng ta đi sâu vào bản chất, để hiểu một thứ gì đó cho rõ ràng hơn. Nhưng chúng ta lại rất hay dựa trên những hiểu biết hạn hẹp đó để đưa ra những phân tích, phán xét và kết luận về mọi sự. Điều này như một cơ chế tự động được định đặt sẵn. Nếu chúng ta không đủ sáng suốt để chú tâm quay vào bên trong chính mình mà quan sát, chúng ta sẽ rất khó nhận ra nó đang chi phối chúng ta như thế nào. Trong trạng thái ý thức hoàn toàn bị giới hạn, kém sáng tỏ đó, chúng ta luôn có xu hướng chống đối lại dòng chảy tự nhiên của sự sống, chúng ta luôn nhìn nhận và phán xét mọi thứ như những thực thể độc lập, tách biệt với các thứ khác. Chính những nhận định và phán xét dựa trên ảo tưởng sai lầm này, làm cho chúng ta cảm thấy bất mãn với những thứ đã xảy ra mà chúng ta cho là không nên xảy ra, và hối tiếc với những thứ đã không xảy ra mà chúng ta cho là nên xảy ra. Những cảm xúc hối tiếc, bất mãn triền miên với thực tại như vậy sẽ giết chết mọi cảm hứng trong cuộc sống, làm cho cuộc sống của chúng ta luôn vô cùng ngột ngạt, bức bí và đầy tiêu cực. Mặt khác, nếu những cảm xúc tiêu cực này đạt tới một cường độ đủ lớn, nó sẽ thúc đẩy ta đưa ra những quyết định, những hành động vô cùng sai lầm và tai hại, và lắm khi đưa chúng ta vào những kết cục, những hoàn cảnh vô cùng thê thảm.
Chúng ta cần thường xuyên thực hành việc tập trung tâm ý, để cảm nhận thật sâu bản chất của mọi thứ. Để nhận thấy rằng mọi thứ đều tồn tại được, là nhờ sự tồn tại của toàn bộ những thứ khác. Mọi thứ đều không bao giờ có một đặc tính nào tự thân có sẵn, tất cả đặc tính của mọi thứ, đều được tạo nên bởi vô vàn những yếu tố khác kết hợp lại. Khi chúng ta hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta cảm nhận mọi thứ ở mức độ sâu sắc như vậy, chúng ta sẽ có những nhận định, những cách nhìn khách quan và chính xác hơn đối với con người, hoàn cảnh hay sự kiện. Từ đó ta có khả năng đưa ra những quyết định, những hành động hòa hợp và tích cực hơn, tránh được những hậu quả không mong muốn làm ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta.
Khi ta nhìn sâu vào mọi sự ở mức độ tận cùng, ta sẽ thấy rằng mọi phân biệt đều phát sinh từ ảo tưởng về một cái ngã riêng, độc lập của mọi sự. Ảo tưởng này phát sinh khi ý thức trong trạng thái bị chi phối hoàn toàn bởi cơ chế tự động của trí não, và chỉ nhận biết về mọi thứ ở mức khái niệm và tên gọi. Khi ta mắc kẹt trong ảo tưởng về sự độc lập và riêng biệt của mọi thứ, ta rất hay cho rằng có những thứ tốt, có những thứ không tốt; có những thứ vui vẻ, có những thứ buồn chán; có những thứ nên xảy ra, có những thứ không nên xảy ra. Những nhận định sai lầm vì thiếu chiều sâu này luôn tạo ra những trở lực ngăn cản ta tiếp chạm với nguồn cảm hứng thực sự của sự sống. Khi ta mang tâm phân biệt, không hiểu rằng mọi thứ đều Vô ngã, “cái này có thì cái kia mới có”, ta sẽ khó lòng cảm thấy biết ơn và trân trọng với mọi thứ. Và điều này ngăn cản ta có những trải nghiệm sâu sắc về mọi thứ. Như ta luôn cho rằng những ngày nghỉ cuối tuần là những ngày vui vẻ, thoải mái, còn những ngày đi làm trong tuần là những ngày bận rộn, khốn khổ. Tuy nhiên nếu ta nhìn sâu vào bản chất sự vui vẻ của những ngày nghỉ, ta sẽ nhận ra nó lại đến từ sự bận rộn của những ngày đi làm. Nếu không có sự bận rộn của những ngày đi làm, sẽ không có sự vui vẻ thoải mái của những ngày nghỉ. Ta có thể thử tưởng tượng, nếu ta nghỉ suốt một năm, thì cảm giác về ngày cuối tuần sẽ không còn nữa, vì lúc đó ngày nào cũng như ngày nấy vậy thôi. Khi một cảm nhận sâu sắc đúng đắn như vậy phát sinh, ta sẽ vẫn vui vẻ tận hưởng cảm giác thảnh thơi của những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng đồng thời ta cũng chấp nhận và trân trọng sự bận rộn của những ngày đi làm. Ta không còn cảm thấy sự bận rộn là không đáng có, và bất an lo lắng khi tới những ngày đi làm nữa. Vì với cái nhìn sâu sắc, ta biết rằng sự bận rộn trong những ngày đi làm có một ý nghĩa và tầm quan trọng riêng của nó, chính vì có nó mới tạo nên cảm giác thảnh thơi trong những ngày nghỉ ngơi. Từ đó thay vì bài xích và e sợ với những ngày đi làm bận rộn, ta lại cảm thấy muốn chào đón nó với niềm trân trọng và biết ơn. Trong tâm thái tích cực và cởi mở như vậy, ta có khả năng trải nghiệm những ngày đi làm một cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Dù bận rộn, ta vẫn sẽ thực hiện mọi việc trong sự điềm tĩnh, chủ động và với một nguồn cảm hứng lớn lao, thay vì với cảm giác lo âu, chịu đựng, khi cho rằng những ngày này là những ngày khốn khổ.
Nếu ta có khả năng cảm nhận sâu sắc tính Vô ngã trong mọi sự, thì ngay cả khi ta đối diện với những tình huống hoặc hoàn cảnh bất lợi trong cuộc sống, ta cũng hoàn toàn hiểu rằng tình huống bất lợi kia, cũng như mọi thứ trên đời, đều không tự thân nó có thể xảy ra như vậy. Những tình huống và hoàn cảnh bất lợi này cũng là thứ được hình thành từ vô vàn yếu tố khác. Trong đó chính những lựa chọn và hành động mà ta đã làm cũng là một trong những nhân tố chủ đạo tạo nên sự bất lợi này. Vì sao? Vì bất kỳ cái gì xảy ra với ta, liên quan tới ta, chắc chắn ta chính là một phần tạo nên nó, đó là điều không thể khác. Từ sự hiểu biết sâu sắc này, thay vì lo sợ và bài xích với tình huống, ta sẽ điềm tĩnh, chủ động và có trách nhiệm hơn khi đối mặt với nghịch cảnh. Thay vì than oán vì sao những bất lợi đó lại xảy đến với mình, ta sẽ điềm tĩnh đối diện trong tĩnh lặng và chú tâm, để tìm hiểu thật sâu vào bản chất của tình huống. Qua đó ta có khả năng nhận ra những yếu tố chủ đạo đã góp phần hình thành nên tình huống này một cách cực kỳ rõ ràng và sâu sắc. Và chắc chắn khi đó ta sẽ thấy được chính những suy nghĩ và hành động mà ta đã thực hiện trong quá khứ đã góp phần tạo ra sự bất lợi này như thế nào. Từ đó ta sẽ dễ dàng chấp nhận tình huống hơn, và ta cũng sâu sắc nhận ra những suy nghĩ và hành động cần thay đổi để có thể chuyển biến tình huống. Ta cũng hoàn toàn có thể thực hành việc xem xét chú tâm như vậy đối với những tình huống, hoàn cảnh có lợi, để nhận biết sâu sắc những yếu tố nào đã tạo nên những thuận lợi đó, qua đó ta có thể tiếp tục duy trì và phát huy nó.
Một sự hiểu biết sâu sắc về tính Vô ngã của mọi sự cũng giúp ta có cái nhìn sâu sắc và công tâm hơn đối với các thói quen xấu và lỗi lầm của chính ta cũng như của người khác. Ta sẽ dễ dàng bao dung, thông cảm với chính mình cũng như người khác hơn là chỉ trích, bắt lỗi. Vì mọi thứ đều không thể tự thân có sẵn, đều được hình thành từ vô vàn yếu tố khác, và không ngoại lệ, mọi thói quen xấu hay mọi lỗi lầm cũng vậy. Khi nhận thức chúng ta còn bị chi phối hoàn toàn bởi cơ chế trí não thông thường, ta luôn có cái nhìn thiếu công bằng đối với lỗi lầm của một người hay thậm chí của chính mình. Thực sự “lỗi lầm của một người” là một ảo giác, nó cũng như một khái niệm, một tên gọi, mà trí não đặt ra để ta nhận biết về một sự vật. Khi ta dừng sự nhận biết về sự việc ở một mức độ hời hợt và nông cạn như vậy, ta luôn có những phán xét và nhận định sai lầm, thiếu công tâm về điều đó. Từ đó dẫn tới việc có những hành xử sai lầm gây ra đau khổ cho chính mình và người khác. Khi ta hiểu sâu sắc về Vô ngã, ta sẽ hiểu rằng thực sự không thể có cái gì gọi là “lỗi lầm của một người”. Khi ta lặng tâm nhìn thật sâu vào cái mà ta gọi là “lỗi lầm của một người”, ta sẽ thấy rằng, giống như bao thứ khác trên đời, có vô vàn yếu tố đã góp phần hình thành nên cái được gọi là “lỗi lầm của một người” đó, và có khi chính ta cũng là một trong các yếu tố này. Từ những lỡ lầm được cho là nhỏ, cho tới những tội lỗi vĩ đại đều không thể là của một người. Mọi lỗi lầm đều phát sinh từ những thói quen xấu, những khuôn mẫu tư tưởng méo mó, sai lệch về cuộc sống. Tuy nhiên, những thói quen xấu, những khuôn mẫu suy nghĩ này của ai đó không thể tự thân người đó tạo thành, hoặc tự thân nó đã có sẵn bên trong người đó. Nó được hình thành từ vô vàn yếu tố khác như: hoàn cảnh ra đời, môi trường sống thời thơ ấu, thói quen và lối suy nghĩ của cha mẹ ảnh hưởng lên, môi trường giáo dục, những người mà người đó tiếp xúc trong suốt quá trình sống, tập quán của vùng miền nơi người đó sinh trưởng, bối cảnh và những áp lực thực tế mà người đó đang đối mặt tại thời điểm đó…. Tất cả những yếu tố này, và còn vô vàn những yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp khác, đều góp phần tạo nên một thói quen hay một kiểu mẫu suy nghĩ của một người. Những thói quen và kiểu mẫu suy nghĩ không phù hợp ấy khi gặp hoàn cảnh thích hợp, sẽ dẫn đến những hành động gây hậu quả mà ta gọi là “lỗi lầm của một người”. Nếu ta chịu chú tâm suy ngẫm thật sâu vào bản chất của cái mà được cho là “ lỗi lầm của một người”, trước khi đưa ra các phán xét và kết luận, ta sẽ thấy rằng không có yếu tố nào thuộc về tự thân người đó tạo nên những lỗi lầm đó. Cái được gọi là lỗi lầm đó chỉ như một điều tất yếu phải xảy ra, và người được cho là gây ra nó chỉ như một phương tiện để qua đó điều đó được biểu hiện. Vậy mà khi nhận thức ta kẹt trong sự chi phối của khuôn mẫu trí não giới hạn, ta lại quy hết trách nhiệm về sự kiện đó cho duy nhất một cá nhân đó. Liệu điều này có công bằng hay không? Nhưng ta luôn làm như vậy trong rất nhiều hoàn cảnh và tình huống. Khi ta nghe về một thông tin, như một vụ bạo hành nào đó, ta hoàn toàn thiếu hiểu biết sâu sắc về sự kiện đó, nhưng ta luôn mau chóng đưa ra kết luận rằng “đó quả là một tội ác”, và để cho chắn chắn hơn ta hay thêm vào là “dù như thế nào đi nữa”. Nếu ta hiểu sâu sắc về Vô ngã, ta sẽ biết rằng hành động bạo hành đó chỉ là diễn tiến cuối cùng để một sự kiện, được tạo ra bởi một chuỗi vô số các yếu tố khác xảy ra trước đó, được biểu hiện ra bên ngoài một cách trọn vẹn. Và người gây ra hành động đó chỉ như một phương tiện để cho một điều phải xảy ra được xảy ra. Nhưng với cơ chế trí não thông thường ta luôn quy chụp toàn bộ sự kiện ấy cho một cá nhân. Đặc biệt hơn, đối với những sự kiện liên quan trực tiếp tới ta, ta còn rất dễ thiếu khách quan, thiếu chiều sâu trong cảm nhận hơn nữa. Ta rất dễ dàng để kết luận đích danh một ai đó đã gây ra lỗi lầm với ta. Và chính kết luận tạo ra từ ảo giác sai lầm này có thể dẫn tới những hành động không đáng có, làm đau khổ cho chính ta và người khác. Nếu ta hiểu sâu sắc tính Vô ngã trong mọi sự, và thường xuyên luyện tập việc chú tâm cảm nhận mọi thứ ở mức độ tận cùng về bản chất. Khi gặp những tình huống không mong muốn với người khác, thay vì vội vàng phán xét và đổ lỗi, ta có khả năng điềm tĩnh hơn để chú tâm nhìn thật sâu vào bản chất của sự việc. Khi đó ta có thể nhận ra một cách sâu sắc những yếu tố đã tạo nên sự việc đó. Và chắc chắn, ta sẽ nhận ra rằng, những hành xử của chính ta trong tình huống luôn là một trong những yếu tố chính góp phần tạo ra sự việc. Nếu ta đã xét tình huống thật sâu nhưng vẫn chưa thấy được tác động nào từ ta góp phần gây ra điều đó, thì có thể ta vẫn chưa xét đủ sâu. Đó có thể là một tác động mà ta không thể cảm nhận, vì nó được tạo ra bởi chính ta nhưng trong một quá khứ xa hơn cả lúc ta chào đời. Khi ta chú tâm cảm nhận về cái được gọi là “lỗi lầm của ai đó” ở một mức độ sâu sắc như vậy, ta sẽ thoát khỏi ảo giác rằng: mọi lỗi lầm gây ra bởi những hành động không chính đáng đều là thứ gì đó thuộc về riêng một cá nhân nào đó, tự cá nhân ấy gây ra tất cả. Từ sự nhận biết sáng tỏ và sâu sắc đó, ta dễ cảm thông hơn với người khác, khi xảy những tương tác không mong muốn. Vì có thể cảm thông, đồng cảm nhiều hơn với người khác, ta dễ bao dung hơn, và hành động ta chọn thực hiện sẽ sáng suốt và hòa hợp hơn. Ta cũng hãy làm tương tự, hãy chú tâm để nhận biết tính Vô ngã đối với những lỗi lầm, hay những thói quen chưa phù hợp của chính mình. Thay vì tự dằn vặt, trách móc, hối hận, về những gì được xem là lỗi lầm đã gây ra, ta nên chú tâm suy ngẫm thật sâu vào bản chất của sự việc, để nhận biết các yếu tố sâu xa gây ra nó. Từ đó ta sẽ biết cần phải làm gì để thay đổi nó.
Khi ta thường xuyên tập chú tâm nhìn thật sâu vào bản chất của mọi sự ở mức tận cùng, để hiểu thấu ý nghĩa thâm sâu của Vô ngã. Ta sẽ nhận ra rằng, tất cả mọi thứ đều được biểu hiện và liên kết chặt chẽ trong một hệ thống vô cùng thiêng liêng, sáng tạo, với một trí tuệ siêu việt vượt xa những tưởng tượng xa nhất mà con người có thể tưởng tượng ra. Về mặt tương đối, chúng ta có thể cảm nhận mọi thứ dường như có những hình dạng khác nhau, tính chất khác nhau. Nhưng xét ở mức độ tận cùng tuyệt đối về bản chất, ta có thể phần nào cảm nhận được mọi sự tồn tại đều có cùng một tính chất. Đó là tính “chỉ có thể tồn tại vì toàn bộ các thứ khác tồn tại”. Chắc chắn ta không có khả năng để nắm bắt hết sự thâm sâu, vượt thoát của sự sống. Vì bản chất thâm sâu, siêu việt của sự sống là vô cùng, vô tận, không có một giới hạn nào để có thể nắm bắt hết. Tuy nhiên nếu đủ chú tâm và lặng lẽ, ta có thể phần nào cảm nhận được sự liên kết thiêng liêng của mọi thứ, phần nào cảm nhận được tính siêu việt, chính xác của vũ trụ. Khi hoạt động trong đời sống hàng ngày, chúng ta nên thường xuyên chú tâm nuôi dưỡng và tiếp chạm với cảm nhận và sự tin tưởng này. Vì với cảm nhận và niềm tin sâu sắc đó, ta sẽ chấp nhận mọi thứ đến với cuộc đời ta - từ con người, tới hoàn cảnh - một cách nhẹ nhàng, bình thản hơn. Ta sẽ cảm thấy trân trọng và biết ơn với tất cả những gì đã đi qua, cũng như đang còn hiện diện trong cuộc đời một cách chân thành và sâu sắc. Vì ta hiểu rằng, tất cả những điều đó đều có những ý nghĩa nhất định, không thể thiếu, để tạo nên sự hiện diện của ta bây giờ và ở đây.
FTAC