logo99

vi en china

lastpic1

NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT 05 – GIẢI TỎA LO ÂU VÀ CĂNG THẲNG – PHẦN I

Khi viết các bài viết này tôi không hy vọng rằng có ai đó sẽ xem và đồng cảm, vì tôi biết đây là một dạng bài viết không hợp với nội dung website FTAC và cũng không phải thứ mà đa số người quan tâm. Tôi chỉ viết đơn thuần là vì tự nhiên có cảm hứng viết và chủ yếu là viết cho chính mình. FTAC là một sản phẩm tinh thần của tôi, cũng là nơi tôi hoạt động nên tôi chọn gửi lên để cho vui. Tuy nhiên nếu có ai đó hữu duyên có thể đọc, đồng cảm và ứng dụng được gì đó để giải tỏa bớt các áp lực trong cuộc sống thì tôi cũng rất vui.

Nếu muốn đọc hay tư vấn về luật thuế xin qua menu khác hoặc nhắn vào Hotline tôi sẽ hỗ trợ trong khả năng của mình.

 

GIẢI TỎA LO ÂU VÀ CĂNG THẲNG – PHẦN I

Lo âu và căng thẳng là một trạng thái tâm lý vô cùng phổ biến hiện nay đối với tất cả chúng ta, và thật không may đây là một trạng thái cực kỳ có hại cho cả tinh thần và thể xác. Nó như một bức tường dày đặc bao quanh, khiến cuộc sống của chúng ta không còn không gian và cảm hứng. Nếu chúng ta không chủ động nhận ra và tìm cách xử lý lo âu và căng thẳng một cách hiệu quả, thì mọi hoạt động của chúng ta trong cuộc sống đều vô cùng nặng nề, bế tắc, cuộc đời chỉ còn là những chuỗi ngày tranh đấu và vật lộn không hồi kết. Vậy lo âu và căng thẳng phát sinh từ đâu? Nếu chúng ta có thể chú tâm suy ngẫm thật sâu, chúng ta sẽ nhận thấy rằng lo âu và căng thẳng đều phát sinh từ những khuôn mẫu tư tưởng sai lầm chi phối chúng ta trong mọi hoạt động. Các khuôn mẫu này được tạo ra dưới dạng các tư tưởng, các xu hướng được lập trình sẵn bởi cơ chế trí não tự động. Khi nhận thức của ta chưa đủ sáng tỏ để cảm nhận sâu sắc bản chất của cuộc sống, ta sẽ luôn hoạt động dưới sự chi phối hoàn toàn bởi các khuôn mẫu này. Điểm chung của các khuôn mẫu này, là đều làm cho chúng ta hoàn toàn mất đi quyền tự chủ trong việc quyết định các trạng thái tinh thần và cảm xúc bên trong của mình, thay vào đó trạng thái bên trong của chúng ta luôn bị phụ thuộc và định đoạt bởi các yếu tố bên ngoài. Điều này là vô cùng sai lầm, vì trạng thái tinh thần và cảm xúc bên trong luôn là điều quan trọng nhất với tất cả chúng ta, và cũng là thứ duy nhất trên đời mà chúng ta có khả năng độc lập chi phối được. Vậy mà khi thiếu sáng suốt trong nhận thức, chúng ta lại trao hết quyền quyết định trạng thái này cho ngoại cảnh, cũng từ đó mà mọi lo âu và căng thẳng không đáng có mới phát sinh. Vậy để giải tỏa lo âu và căng thẳng, chúng ta cần nhận ra và hướng tới sự thoát ly dần khỏi sự chi phối của những khuôn mẫu sai lầm này trong mọi hoạt động.

Ở phần này chúng ta tìm hiểu về khuôn mẫu thứ nhất - trong trạng thái ý thức thiếu sáng suốt, chúng ta luôn chịu sự chi phối hoàn toàn bởi xu hướng không hài lòng với những gì xảy ra trong hiện tại, luôn cảm thấy mọi sự trọn vẹn và hoàn hảo là ở một tương lai nào đó, khi đã đạt được những điều gì đó. Xu hướng này làm cho chúng ta luôn thực hiện mọi hoạt động trong hiện tại, nhưng mọi chú tâm và kỳ vọng lại luôn dành hết cho các kết quả ở tương lai, rất ít sự chú tâm và cảm hứng dành cho chính hoạt động đó. Điều này làm cho chúng ta hầu như luôn thực hiện mọi hoạt động một cách không toàn tâm toàn ý, trong trạng thái bị thúc ép, hoàn toàn thiếu đi cảm hứng và niềm vui. Nếu chúng ta đủ sáng tỏ và sâu sắc để cảm nhận và quan sát, chúng ta sẽ nhận ra sự vận hành mạnh mẽ và liên tục của khuôn mẫu này bên trong chính chúng ta, cũng như trong những người xung quanh. Nó vô cùng tế nhị nhưng luôn là một xu hướng ẩn tàng trong mọi hoạt động. Khuôn mẫu này làm cho chúng ta có cảm giác rằng mọi việc chúng ta đang làm chỉ như những điều buộc phải làm để đạt được một kết quả nào đó, và hiện tại luôn là một giai đoạn bất toàn, không mấy vui vẻ, mà chúng ta phải chống chọi để vượt qua nhằm hướng tới một tương lai nào đó mà chúng ta cho rằng sẽ trọn vẹn và thoải mái hơn. Đây là một lối sống vô cùng sai lầm và tai hại đã đem đến cho chúng ta vô vàn lo âu, căng thẳng. Nó cũng giết chết mọi niềm vui và cảm hứng cũng như làm tiêu hao rất nhiều thời gian và năng lượng sống của chúng ta một cách vô ích. Khi thiếu sáng suốt trong nhận thức chúng ta sẽ không thể nhận ra rằng mọi chi tiết của đời sống đều luôn chỉ được biểu hiện trong hiện tại - ngay bây giờ, và ở đây. Vì vậy nếu ta coi rẻ và chống đối với hiện tại, miễn cưỡng và không tôn trọng với từng việc mà chúng ta đang làm, thì chính là chúng ta đang coi rẻ và chống đối với toàn bộ đời sống. Nhưng đó là cách sống mà phần lớn chúng ta hiện nay đang chọn. Vì thiếu sáng suốt, nên chúng ta không nhận ra rằng tất cả những gì đang xảy ra trong hiện tại của chúng ta - ngay bây giờ, và ở đây - đều là tất cả những gì chúng ta đang có, và đó cũng là kết quả của những lựa chọn của chính chúng ta trong quá khứ, thông qua các suy nghĩ và hành động. Vì không thông tỏ như vậy, nên thay vì chấp nhận và tôn trọng tất cả những gì đang có mặt trong hiện tại, chúng ta lại coi rẻ và chống đối với hiện tại. Chúng ta luôn coi những việc cụ thể mà ta đang làm ngay bây giờ, và ở đây, chỉ như phương tiện để đạt được mục tiêu nào đó ở tương lai, chứ không đủ tôn trọng và chú tâm để nhận thấy niềm vui khi thực hiện từng công việc cụ thể đó. Thực sự khi bất kỳ một hoạt động nào đến với chúng ta trong cuộc sống, đó cũng đều là những dịp mà chúng ta được cuộc sống ban tặng, theo đúng lựa chọn của chúng ta, để chúng ta có thể trải nghiệm việc thực hiện hoạt động đó. Vì vậy chúng ta nên dành một sự chú tâm để chấp nhận và coi trọng từng cái dịp như vậy thay vì phản ứng và chống đối. Chúng ta hay tự nói rằng, để cày năm mười năm nữa, để có chút tiền rồi mới có thời gian để nghỉ ngơi và làm những việc mà chúng ta yêu thích. Hay ráng cày để lo cho con cái lớn chút nữa thì mới yên tâm được, mới có thời gian để dành cho bản thân. Hay ráng chạy để có thêm một quốc tịch nữa thì lúc đó ta mới thấy an toàn và yên tâm. Hay hy sinh đời bố, củng cố đời con… Tất cả những suy nghĩ và xu hướng như vậy đều phát sinh từ một khuôn mẫu sai lầm này của trí não, đó là sự không tôn trọng và chống đối với hiện tại, mọi chú tâm chỉ dành cho một tương lai mơ hồ nào đó. Đây thực sự là một cái bẫy, một ảo tưởng cực kỳ sai lầm khiến chúng ta mất hết niềm vui, cảm hứng cũng nhưng năng lượng và thời gian. Chúng ta dùng từ “cày”, "chạy" hoặc "hy sinh", nó thể hiện một sự chịu đựng và chống đối tột cùng với những hoạt động đang xảy ra trong hiện tại. Đó là vì chúng ta không đủ sáng suốt để dồn chú tâm vào hiện tại, để cảm nhận được niềm vui của từng hoạt động ngay lúc này, và ở đây. Nếu chúng ta không thể cảm nhận được niềm vui và sự trọn vẹn ngay trong hiện tại, khi cơ thể và tinh thần của chúng ta còn sung mãn, thì ta hy vọng gì mà có được nó khi mà cả tinh thần và thể xác đều đã suy tàn sau một giai đoạn dài sai lầm mà phung phí biết bao nhiêu năng lượng và thời gian sống vào những lo âu và căng thẳng không đáng có. Việc lao động, phục vụ và nuôi dạy con nhỏ đều là những công việc cụ thể, ngay trong hiện tại, đó cũng là tất cả những yếu tố đang liên tục cấu thành nên đời sống của ta ngay lúc này, và ở đây. Nếu ta không có khả năng để chấp nhận, để tìm thấy cảm hứng và niềm vui trong những hoạt động đó ngay bây giờ, thì đời sống của ta chẳng còn lại gì ngoài sự vô vị và những căng thẳng, âu lo không hồi kết. Ta chỉ có thể thực hiện các hoạt động đó một cách hiệu quả và cảm nhận được niềm vui trong từng hoạt động, khi ta đủ sáng suốt để đặt mọi chú tâm của chúng ta vào hiện tại, vào từng hoạt động cụ thể đang diễn ra ngay bây giờ, và ở đây. Tuy vậy khi ta bị chi phối hoàn toàn bởi ảo tưởng sai lầm rằng sự tốt đẹp không bao giờ có trong hiện tại, mà nó đang chờ ở tương lai khi ta đã đạt được điều gì đó như: khi có chút tiền,  khi có thêm cái quốc tịch mới, khi con cái đã lớn… thì ta không bao giờ dành sự chú tâm và tôn trọng cho những hoạt động trong hiện tại. Mọi hoạt động trong hiện tại chỉ như những thứ bất toàn mà ta phải chịu đựng để vượt qua, từ đó sự ức chế, lo âu, căng thẳng phát sinh.  Ngoài ra, khi hoạt động trong trạng thái thiếu chú tâm như vậy, ta có thể thực hiện các hoạt động theo nhiều cách rất sai lầm. Ví dụ ta hay nói “lo cho con” nhưng thực tế sự chú tâm của ta dành cho đứa nhỏ là rất ít, ta chỉ có thể “lo cho con” đúng nghĩa khi ta thực sự dành đủ thời gian cho đứa nhỏ, chú tâm hoàn toàn trong sự tương tác và dạy dỗ đứa nhỏ. Chỉ khi đó việc “lo cho con” mới thực sự được thực hiện hiệu quả, đứa nhỏ mới được phát triển một cách đúng đắn và ta mới có thể cảm nhận được niềm vui và sự hạnh phúc trong việc nuôi dạy con nhỏ. Khi ta không dành sự chú tâm vào hoạt động, ta luôn lầm tưởng “lo cho con” thành kiếm tiền cung phụng cho con, thực sự hai việc này không liên quan gì tới nhau cả, mà thậm chí ta đang vô tình làm hại đứa nhỏ mà không hề hay biết. “Lo cho con” theo cách sai lầm như vậy, thì ta cũng chẳng có mấy thời gian để mà nhìn mặt con, chứ đừng nói gì tới việc tương tác và dạy dỗ cho nó. Và đứa nhỏ cũng chẳng nhận được bất kỳ lợi ích hay sự dạy bảo cần thiết nào từ cha mẹ, ngoài việc nó càng ngày càng càng trở nên lệch lạc, thiếu ý thức và kỹ năng vì được phục vụ và cung phụng vật chất liên tục một cách sai lầm. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về những cách thức sai lầm và ngộ nhận, khi thực hiện các hoạt động trong trạng thái hoàn toàn thiếu chú tâm vào hoạt động đó.

           Có thể trong hiện tại, có những điều mà chúng ta không còn cảm thấy thoải mái với nó nữa. Nhưng chúng ta cần đủ sáng tỏ để hiểu rằng, những trải nghiệm này đều đến từ những lựa chọn của chính chúng ta trong quá khứ, vì vậy nếu ta không còn muốn trải nghiệm nó nữa, ta hoàn toàn có thể chủ động thay đổi lựa chọn để thay đổi trải nghiệm, nhưng không nên coi rẻ hoặc chống đối với những gì đang xảy ra. Vì như vậy, thay vì thực hiện một lựa chọn mới trong sự rõ ràng và sáng suốt để có một trải nghiệm mới, chúng ta lại đang vô tình tiếp tục tham gia vào những trải nghiệm đến từ những lựa chọn cũ, nhưng ở một mức độ tiêu cực hơn, từ đó lo âu và căng thẳng kéo đến là điều không thể tránh khỏi.

          Vậy để giải tỏa bớt lo âu và căng thẳng, chúng ta cần dành thời gian chú tâm, suy xét thật sâu để cảm nhận sự hoạt động của khuôn mẫu này. Nếu chúng ta liên tục thực hành việc cảm nhận như vậy, thì sự nhận ra sẽ từ từ trở nên rõ ràng và sâu sắc. Từ sự nhận ra đó chúng ta thấy rằng việc không tôn trọng và chống đối với hiện tại, với tất cả những gì đang xảy ra ngay bây giờ, và ở đây là nguyên nhân đem tới cho chúng ta biết bao lo âu và căng thẳng. Điều mà chúng ta cần làm là luyện tập khả năng chuyển sự chú tâm của mình vào hiện tại, vào tất cả những công việc mà ta đang thực hiện ngay bây giờ, và ở đây, thay vì chỉ hoàn toàn chú ý tới các kết quả ở tương lai như trước. Chúng ta sẽ không còn cho rằng sự trọn vẹn là chỉ nằm ở tương lai, khi đã đạt được những mục tiêu nào đó nữa, mà sẽ chú tâm để cảm nhận sự trọn vẹn của tất cả những gì đang hiện diện ngay lúc này và ngay ở đây. Khi chúng ta không còn coi các công việc mà chúng ta đang thực hiện chỉ là phương tiện để đạt được những mục tiêu nào đó nữa, mà chúng ta tôn trọng và đặt sự chú tâm trọn vẹn vào chính các công việc đó, thì chúng ta sẽ cảm nhận được một niềm vui, một niềm cảm hứng lớn lao ngay trong khi thực hiện các công việc cụ thể này. Mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn, không còn nặng nề và căng thẳng như khi chúng ta làm việc mà chỉ dành mọi sự kỳ vọng và chú tâm vào kết quả. Chúng ta vẫn dành thời gian cần thiết để đặt ra các mục tiêu cần hướng tới theo những mong muốn của chúng ta, và mọi hoạt động cụ thể mà chúng ta lựa chọn thực hiện đều nhằm mục đích để đạt được những mục tiêu đó. Nhưng sau khi xác định được những hoạt động cụ thể cần thực hiện trong tiến trình hướng tới mục tiêu đó, thì chúng ta cần phải quên đi mục tiêu, và dồn mọi chú tâm cho từng công việc cụ thể trong tiến trình khi thực hiện các công việc đó. Khi đã đủ sáng tỏ để nhận ra ý nghĩa và bản chất của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy rằng, thay vì đặt nặng thái quá tầm quan trọng của kết quả, nên coi các công việc cụ thể chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu, vì vậy ta chỉ hoàn toàn chú ý tới mục tiêu, thì thực sự chính mục tiêu mới chỉ là phương tiện để ta có thể xác định được các công việc cụ thể cần làm ngay bây giờ, và ở đây. Khi phương tiện đã sử dụng xong, ta cần quên nó đi và dồn toàn tâm toàn ý để tận hưởng và trải nghiệm niềm vui của việc thực hiện từng công việc trong tiến trình. Ý tưởng rằng chỉ khi có thêm điều gì đó, hay đạt được một mục tiêu nào đó ở tương lai, thì ta mới cảm thấy hoàn toàn trọn vẹn, thực sự chỉ là một ảo tưởng sai lầm. Thực tế là sự trọn vẹn và hoàn hảo đã có sẵn trong tự thân tất cả những gì đang hiện hữu ngay bây giờ, và ở đây, mà không cần phải có thêm bất cứ điều gì khác. Chỉ vì sự chú tâm của ta dành cho tất cả những gì đang diễn ra trong hiện tại là không đủ, vì vậy ta mới cảm thấy cần phải đạt được thêm điều gì đó ở tương lai thì ta mới trọn vẹn và hạnh phúc. Chúng ta cần thiết lập các mục tiêu là để xác định được những việc mà ta cần thực hiện, vì không có mục tiêu ta sẽ không thể xác định được các công việc cụ thể cần làm. Và tất nhiên, khi các mục tiêu đã được hoàn thành, ta hoàn toàn có quyền cảm thấy hài lòng, cảm thấy vui sướng, hứng khởi và trân trọng đối với những hoa trái của thành quả. Thực sự là ta cần phải như vậy, vì khi đó những gì mà thành quả mang đến, đã trở thành những yếu tố thực tế đang biểu hiện trong hiện tại của ta, ngay lúc này, và ở đây. Nhưng các mục tiêu và các kết quả được đặt ra, trước khi trở thành hiện thực, chỉ nên dừng ở vai trò là một phương tiện như vậy, mục tiêu và kết quả không nên là tất cả những gì thu hút hết sự chú tâm của chúng ta trong hiện tại. Ví dụ như khi ta đặt ra mục tiêu là cần khởi nghiệp bằng cách mở một công ty, từ mục tiêu đó ta sẽ xác định được những việc cần thực hiện cụ trong hiện tại như: cần xác định hoạt động kinh doanh của công ty, cần xác định phương án tiếp cận khách hàng để có một lượng khách hàng tiềm năng cho công ty, cần hoạch định vốn ban đầu để thực hiện thành lập công ty, cần tuyển dụng và đào tạo nhân sự để hoạt động… Tất cả những công việc cụ thể này đều chỉ được định hình khi ta đặt ra một mục tiêu là thành lập công ty, nếu không có mục tiêu này, các công việc cụ thể như trên sẽ không thể hình thành. Tuy nhiên trong trạng thái nhận thức thiếu sáng suốt, vì không dành đủ chú tâm, nên khi thực hiện mọi hoạt động cụ thể đó, ta chỉ làm một cách miễn cưỡng. Mọi sự chú tâm trong lúc thực hiện các công việc cụ thể trong tiến trình, đều không ở trong chính các công việc đó, mà được dồn hết vào kết quả được kỳ vọng trong tương lai - là việc công ty được đi vào hoạt động. Vì thiếu sáng suốt, ta nghĩ rằng chỉ sau khi công ty đã đi vào hoạt động, thì ta sẽ thấy ổn hơn, trọn vẹn hơn bây giờ. Từ đó, mọi thứ trong tiến trình hướng tới mục tiêu mà ta đã xác định là cần được thực hiện ngay bây giờ, và ở đây, đều chỉ như những phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Ta hoàn toàn không dành sự tôn trọng cũng như chú tâm gì cho từng công việc cụ thể này khi thực hiện chúng. Đây thực sự là một sai lầm, vì khi thực hiện mọi việc trong trạng thái quá quan trọng kết quả như vậy, ta sẽ làm mọi thứ trong lo lắng và khiên cưỡng, từ đó dẫn đến có thể làm mọi việc theo các cách sai lầm, không hiệu quả, tốn công sức, thời gian một cách vô nghĩa. Và thực sự, khi công ty đã đi vào hoạt động, liệu ta có trở nên trọn vẹn và tốt đẹp hơn bây giờ hay không, là điều ta không thể biết được, nhưng có một điều chắc chắn, là khi ta hoạt động trong sự thiếu chú tâm và tôn trọng với hiện tại như vậy, ta đã đánh mất hết cảm hứng và niềm vui trong suốt khoảng thời gian rất dài của tiến trình, ta phải sống trong lo lắng và căng thẳng trong suốt một giai đoạn dài của cuộc đời một cách vô nghĩa. Và ta nên biết rằng chỉ cần một vài đoạn đời như vậy trôi qua thì đời ta cũng đến lúc kết thúc.

Ta nên dành thời gian chú tâm suy ngẫm thật sâu để sớm nhận ra khuôn mẫu tai hại này, để biết rằng các mục tiêu được đặt ra chỉ nên đóng vai trò như phương tiện để ta có thể xác định được những việc cụ thể cần làm trong tiến trình hiện tại của cuộc sống, sau khi phương tiện đã hoàn thành vai trò của nó ta cần quên nó đi, để dồn toàn tâm toàn ý vào việc thưởng thức, tận hưởng niềm vui trong tiến trình, thay vì cho cố chịu đựng nó để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Vì việc cho rằng khi đạt được mục tiêu đó là ta sẽ hoàn toàn yên vui, trọn vẹn chỉ là một ảo tưởng sai lầm. Nếu chúng ta đủ tỉnh táo để quan sát, chúng ta sẽ thấy rằng không có một mục tiêu nào là mục tiêu cuối cùng, ngay khi một mục tiêu được hoàn thành, có thể chúng ta sẽ có cảm giác hài lòng đôi chút, nhưng nó không bao giờ tồn tại lâu, rất nhanh sau đó một mục tiêu mới sẽ xuất hiện, liên tục, không có kết thúc. Vì vậy nếu mọi chú tâm trong cuộc, sống chúng ta chỉ dành để chạy theo các mục tiêu mà tâm trí đặt ra, hoàn toàn chống đối và không tôn trọng những gì đang xảy ra trong hiện tại, thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang dành trọn cuộc đời để đắm mình trong lo âu và căng thẳng…. (Còn tiếp phần 2)

                                                                                                                                                                                                                       VIỆT

CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN FTAC

Trụ sở chính : Tầng 3, Tòa Nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành Phố Hồ Chí Minh

Văn Phòng Tân Bình: 11B Hồng Hà Phường 2 Tân Bình TP.HCM

Hotline: 0906713480 - 0394455680

Email: viet.hb@ftac-audit.com

  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU
  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU
  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU
  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU
  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Bản Đồ

top.png