Khi viết các bài viết này tôi không hy vọng rằng có ai đó bấm vào xem, cũng không hy vọng có ai đó đọc hết bài, càng không hy vọng có ai đó đồng cảm vì tôi biết đây là một dạng bài viết không hợp với nội dung website FTAC và cũng không phải thứ mà đa số người quan tâm. Tôi chỉ viết đơn thuần là vì tự nhiên có cảm hứng viết và chủ yếu là viết cho chính mình. FTAC là một sản phẩm tinh thần của tôi, cũng là nơi tôi hoạt động nên tôi chọn gửi lên để cho vui. Tuy nhiên nếu có ai đó hữu duyên có thể đọc, đồng cảm và ứng dụng được gì đó để giải tỏa bớt các áp lực trong cuộc sống thì tôi cũng rất vui.
Nếu muốn đọc hay tư vấn về luật thuế xin qua menu khác hoặc nhắn vào Hotline tôi sẽ hỗ trợ trong khả năng của mình.
Ý THỨC
Mọi thứ đều hiện hữu và được cảm nhận chỉ khi có ý thức, khi không có ý thức thì không còn gì tồn tại. Khi ta rơi vào hôn mê hoặc ngủ ở trạng thái cực sâu không mộng mị, ý thức rơi vào một trạng thái đóng băng thì với ta không còn gì tồn tại nữa, kể cả thời gian lẫn không gian, ở những trạng thái đó dù có trải qua 100 năm thì khi tỉnh lại cũng như chớp mắt. Vì vậy, có thể nói ý thức, hay nhận thức là sự sáng tạo ra tất cả các trải nghiệm, ý thức càng sáng tỏ thì cảm nhận về các trải nghiệm càng sâu sắc và phong phú. Chất lượng cuộc sống lại được quyết định bằng chất lượng các cảm nhận đối với các trải nghiệm mà chúng ta thu thập được trong đời. Trong suốt cuộc đời, thông qua việc tương tác với ngoại cảnh sẽ cho chúng ta các trải nghiệm, tuy nhiên chúng ta cảm nhận các trải nghiệm này như thế nào, hời hợt, cạn cợt hay sâu sắc, tinh tế là tùy vào cảnh giới của nội tâm, tùy vào mức sáng suốt của ý thức. Và chất lượng của những cảm nhận về các trải nghiệm chúng ta có được trong đời sống hàng ngày, sẽ quyết định chất lượng cuộc sống chúng ta có hạnh phúc hay không, nghèo nàn hay phong phú, nhiều cảm hứng, hay tẻ nhạt, vô vị. Chúng ta thường hay mắc phải một sai lầm cơ bản là: chúng ta đồng nhất sự sở hữu vật chất và quyền lực với chất lượng cuộc sống, vì vậy chúng ta cứ mãi cố dùng hết tâm sức và thời gian sống để gia tăng sở hữu bằng mọi giá. Nếu nội tâm đủ bình lặng để quan sát xung quanh và nhìn về lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng những người có nhiều của cải và quyền lực, thậm chí thông minh bậc nhất, họ cũng không có hạnh phúc đích thực. Đó là điều không thể phủ nhận. Alexander Đại đế - người đã chinh phục hơn 5 triệu cây số vuông trên 3 châu lục, thống nhất toàn Hy Lạp cổ đại, và chinh phục cả đế quốc Ba Tư - khi được thầy mình là Aristotle hỏi "con sẽ làm gì sau khi chinh phục mọi thứ?"; Thì ông trả lời rằng "Con chỉ muốn có một đêm ngủ thật ngon, vì khi ấy sẽ không còn bất cứ mối đe dọa nào đối với đế chế Hy Lạp nữa, nên con sẽ không còn gì phải e sợ nữa". Và đêm ngon giấc ấy ông cũng đã không bao giờ có được, vì cuộc viễn chinh vẫn chưa kết thúc thì ông đã mất trong một buổi tiệc khi chỉ mới 32 tuổi.
Còn ở hiện tại, chúng ta có thể nhìn những người đang trên đỉnh thế giới, như tổng thống Mỹ đương đại - một ông già đã U90 - lẽ ra phải được hưởng những an lạc của tuổi già, vui vầy, tĩnh tại bên gia đình, thì vẫn phải đứng ra vận động tranh cử, đứng ra tranh luận nảy lửa với đối thủ cạnh tranh, dưới một áp lực khổng lồ, vì chịu sự quan sát của toàn thế giới, để rồi sau đó phải buồn rầu mà rút lui trong tức tưởi. Đó là những con người đã ở mức cực đại của sở hữu và quyền lực, vậy mà họ có được gì đâu ngoài những áp lực và lo âu không ngớt? Còn vô vàn những tình huống khác xung quanh, mà chúng ta từ đó có thể học được nhiều điều, nếu biết quan sát và suy ngẫm sâu sắc. Xung quanh ta có rất nhiều người có công ăn, việc làm được cho là tốt, lương rất cao, sở hữu tài sản khá nhiều, thậm chí có cả quyền lực trong tay, và họ được gọi là người thành công. Lẽ ra như vậy họ phải hạnh phúc mới phải chứ, nhưng chúng ta đâu có thấy họ bước đi với niềm hạnh phúc hân hoan, với nụ cười mãn nguyện, mà thường hay bước đi với gương mặt đầy mệt mỏi, lảo đảo xiêu vẹo vì những cuộc “thân bất do kỷ”. Họ luôn căng thẳng vì những toan tính, để làm sao cho tài sản, quyền lực phải được gia tăng, chứ không dậm chân tại chỗ, và lo âu triền miên vì e sợ rằng có ngày nào đó những thứ mà họ đã phải dùng hết tâm huyết để có được ấy sẽ biến mất. Tỷ lệ người bị stress, cao huyết áp, rối loạn lo âu đối với người ở độ tuổi đi làm là đang ở mức đỉnh điểm, nhưng nó lại như một điều khá bình thường, và được gọi là những căn bệnh thời đại, những căn bệnh của người thành công. Tất cả những điều này, chứng minh rằng việc mưu cầu hạnh phúc bằng cách dồn hết tâm sức, sinh lực để tranh đoạt, gia tăng sở hữu và quyền lực là điều không thể. Đồng nhất sở hữu và quyền lực với chất lượng cuộc sống là một ảo tưởng to lớn và tai hại.
Nhưng như thế thì chúng ta cũng có thể hỏi rằng: "Vậy nếu sống không sở hữu, hoặc sở hữu ít và không quyền lực thì có được gọi là sống có chất lượng và hạnh phúc hay không?" Câu trả lời là, nếu chúng ta không có những thứ đó, nhưng trong lòng chúng ta vẫn nghĩ phải có những thứ đó, cuộc sống của chúng ta mới có chất lượng, và chúng ta mới có hạnh phúc, thì chúng ta vẫn chịu khổ sở y như vậy. Vậy việc sở hữu nhiều hay ít, có quyền lực hay không có quyền lực, thực chất không ảnh hưởng gì tới chất lượng cuộc sống của chúng ta, mà chính mức ý thức của chúng ta về những thứ đó, mới thật sự quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta. Khi ý thức của chúng ta vẫn còn ở mức nhầm lẫn những thứ đó chính là hạnh phúc, chính là chất lượng cuộc sống, thì chúng ta còn khao khát, còn mong muốn những thứ đó một cách điên cuồng. Chính khao khát điên cuồng, không thể cưỡng lại này, là động lực khiến chúng ta phải luôn vật lộn, tranh đấu không ngừng nghỉ, biến chúng ta thành những người “thân bất do kỷ”, không còn tự do ,và tạo cho chúng ta một cuộc đời đầy căng thẳng, áp lực. Chỉ khi ý thức của chúng ta có thể vượt lên, thoát ra khỏi sự nhầm lẫn tai hại kia, lúc đó mới là lúc chúng ta cảm nghiệm được ý nghĩa đích thực, và sự diệu huyền của cuộc sống. Chỉ khi ý thức của chúng ta, được phát triển lên một mức sáng tỏ hơn, không còn bị chìm đắm trong những suy tư bất tận, vì hối tiếc về quá khứ, hay lo lắng về tương lai, thì chúng ta mới có khả năng cảm nhận mọi thứ ở mức sâu sắc và trọn vẹn hơn. Vì khi đó, chúng ta có khả năng an trú ở hiện tại nhiều hơn.
Mọi thứ cần thiết, đã được cuộc sống thiết kế, cung cấp đầy đủ, dư thừa cho tất cả. Tuy nhiên, vì nhận thức không đủ sáng suốt, nên chúng ta không thấy được điều đó. Vì vậy, thay vì hướng tâm hồn lên cao để cảm nhận, để thưởng thức mọi thứ mà cuộc sống ban tặng với lòng biết ơn, và thực hiện các hoạt động như một cách để chúng ta đền đáp và phụng sự lại cuộc đời, thì chúng ta lại ra sức vật lộn để sở hữu càng nhiều càng tốt. Như khi thấy một gốc mai đẹp, chúng ta chỉ thoáng nhìn nó một chút, và lập tức ao ước được mang nó về để trong sân nhà. Niềm ao ước được sở hữu nó, ngay lập tức giết chết nguồn cảm hứng thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên, hoàn hảo của những đóa hoa, đang dâng trào trong tâm hồn. Chúng ta không cần sở hữu gốc mai mới thưởng thức được vẻ đẹp của nó, chúng ta chỉ cần ở đó, và chú tâm sâu sắc vào nó, cảm nhận sự toàn vẹn, rực rỡ của nó là đủ. Với những người có gốc mai ấy trong sân nhà, cái làm cho họ cảm thấy thỏa mãn, không phải là hàng ngày được ngắm vẻ đẹp tự nhiên, trọn vẹn của gốc mai, mà chính là ý nghĩ đã sở hữu được nó. Tuy nhiên, sự thỏa mãn nãy sẽ mau chóng tan đi khi những khát khao mới xuất hiện. Khi đó gốc mai chỉ còn là thứ vô hình trong mắt họ, dù nó vẫn ở ngay đó.
Tất cả những điều trên nói lên rằng, mức độ sáng tỏ của ý thức, là chìa khóa quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta. Khi ý thức thông tỏ, chúng ta luôn có thể cảm nhận mọi trải nghiệm một cách sâu sắc và trọn vẹn hơn, khi ý thức chúng ta thông tỏ, chúng ta luôn có cái nhìn cao hơn, sâu hơn, và chính xác hơn về mọi thứ, trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Từ đó, chúng ta dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh, hơn là chống đối, chúng ta dễ dàng đồng cảm, khoan dung với người khác, hơn là trách móc, bắt lỗi và bạo hành. Chính khả năng chấp nhận vô điều kiện với hoàn cảnh, khả năng đồng cảm, khoan dung, yêu thương sâu sắc với người khác, sẽ tạo cho chúng ta một sự an yên, bình thản trong tâm hồn. Sự bình an ở nội tâm này, chính là hạnh phúc đích thực. Tuy nhiên, để có khả năng chấp nhận hoàn cảnh nhiều hơn là chống đối, khả năng đồng cảm, yêu thương nhiều hơn là trách móc, bắt lỗi, thì chúng ta cần phải có một mức ý thức sáng tỏ, ở bậc cao ,và một khả năng để duy trì nó nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Vì chúng ta không thể chấp nhận với hoàn cảnh, và đồng cảm, yêu thương với người khác, nếu hiểu biết và góc nhìn của chúng ta là méo mó và hạn hẹp. Vì vậy có thể nói, mục tiêu tối hậu của cuộc đời chính là việc nâng cấp và tiến hóa nhận thức. Chúng ta cần phải dành cho mục tiêu này một sự quan tâm, và một lượng thời gian tương xứng với tầm quan trọng của nó. Nếu chúng ta còn chưa biết tới nó, hoặc chỉ coi nó là những hoạt động phụ trong lúc rảnh rỗi, hoặc chờ khi về già, không có gì để làm nữa chúng ta mới thực hiện, thì khả năng chúng ta có được một cuộc đời ý nghĩa, tươi đẹp, với niềm an bình, tĩnh tại sâu sắc trong tâm hồn, là rất thấp. Cuộc sống của chúng ta sẽ luôn là một cuộc đấu tranh, vật lộn khốc liệt trong mọi lúc, với những lo âu và bất mãn triền miên.
Nhận thức như một trường năng lượng, nó chỉ có thể phát triển để trở nên thông thoáng, sâu sắc hơn khi nó được thường xuyên hướng tới những rung động thanh cao, và thoát dần việc ở trong những trạng thái của những rung động thấp. Các rung động thấp chính là những suy nghĩ miên man, lộn xộn, lặp đi lặp lại, không có bất cứ mục đích hay ích lợi gì. Những suy tư kiểu này hầu như luôn phát sinh một cách tự động trong đầu chúng ta, và chúng thường kéo theo các cảm xúc tiêu cực, như tức giận, nghi ngờ, đố kỵ - cũng là những trạng thái rung động thấp. Khi ý thức thường xuyên bị chìm đắm trong những suy tư, cảm xúc như vậy, thì nhận thức sẽ ngày càng thui chột, và chúng ta sẽ ngày càng cảm nhận thực tại một cách sai lầm và méo mó hơn. Để phát triển nhận thức, chúng ta cần nhận ra những trạng thái rung động thấp này, và chủ động thường xuyên hướng nhận thức tới những trạng thái rung động thanh cao. Một trong những hoạt động tạo ra các trạng thái rung động cao, là đọc các loại sách chia sẻ sâu sắc các kinh nghiệm về thực tại, về ý nghĩa đích thực của cuộc sống, và về nhận thức, được chia sẽ bởi những người thực sự có mức tỉnh thức cao trên thế giới. Khi đọc các loại sách này một cách chú tâm, nhận thức của chúng ta trong thời gian đọc sẽ được thoát ly khỏi các suy tư, cảm xúc không mục đích, và hòa vào trong trạng thái rung động cao phát ra từ những điều sâu sắc được chia sẻ trong sách. Vì vậy đọc các loại sách có nội dung sâu sắc và phù hợp một cách chú tâm, là một hoạt động mà chúng ta có thể chủ động để hướng nhận thức đi lên, và có thêm nhiều hiểu biết mới lạ, hữu ích về thực tại. Một vài hoạt động khác cũng tạo ra trạng thái rung động cao, như nghe những loại nhạc có âm điệu dịu dàng và lời nhạc sâu sắc, chân thực, coi những clip nói về những quy luật cuộc sống, hoặc ngồi tĩnh lặng tập trung ý thức vào một thứ gì đó, có thể là âm thanh, hay hơi thở, để ý thức thoát ly khỏi những suy nghĩ, cảm xúc miên man, vô mục đích… Chúng ta tùy vào cảm hứng và sở thích mà chọn các hoạt động nào mình thích để thực hiện, cũng có thể thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, vào nhiều thời điểm khác nhau. Chúng ta có thể thực hiện bất kỳ hoạt động nào, miễn là hoạt động đó giúp ý thức thoát ly khỏi những trạng thái rung động thấp, và hiện diện ở những trạng thái rung động cao. Khi làm vậy một cách đều đặn và liên tục, theo thời gian, nhận thức của chúng ta sẽ ngày càng phát triển, trở nên sáng tỏ hơn, trở nên tinh tế và sâu sắc hơn. Khi đó, chúng ta sẽ cảm nhận được mọi thứ một cách trọn vẹn, sâu sắc, và chính xác hơn. Từ đó, ta sẽ có khả năng đưa ra nhiều quyết định đúng đắn hơn trong hành động, giúp ta có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thoát, và cảm hứng hơn, với nhiều an yên, tĩnh tại hơn trong tâm hồn.
FTAC